Lượt xem: 409

Sóc Trăng “lấy dân làm gốc” trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới

Tiếp nối thành quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày 23/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Mặc dù được triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng nhờ phát huy tốt quan điểm “lấy dân làm gốc”, sau 3 năm triển khai Nghị quyết, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh tiếp tục đi vào chiều sâu, nhiều phong trào, hoạt động thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tại từng địa phương, nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhân dân.

 


Mô hình “Dân vận khéo” chung sức xây dựng cầu giao thông nông thôn

 

    Khó khăn lớn nhất trong năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU là Trung ương vẫn chưa phân bổ ngồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thời gian đầu triển khai Nghị quyết cũng là lúc COVID-19 bùng phát mạnh tại tỉnh, nhiều địa phương phải tập trung mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế giai đoạn hậu đại dịch. Dù vậy, với quyết tâm cao, ngoài cân đối nguồn ngân sách tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thiện các tiêu chí liên quan đến công trình giao thông nông thôn.

    Các cuộc vận động, phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới lan tỏa sâu rộng. Tiêu biểu như: “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Tỉnh ủy; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và “Xây dựng gia đình 5 có 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” của Hội Nông dân; “Tuổi  trẻ Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Cựu Chiến binh Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” của Hội Cựu Chiến binh; “Tuổi cao gương sáng” của Hội Người cao tuổi…

    Ngoài ra, nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương triển khai tích cực, duy trì hiệu quả, huy động lực lượng cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các tổ chức đoàn thể và nhân dân cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu… Từng bước đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất cuộc sống người dân vùng nông thôn, nổi bật như: “Ngày Chủ nhật xây dựng nông thôn mới”, “Vườn mẫu” của huyện Cù  Lao Dung, “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa” của huyện Mỹ Xuyên, “Ngày thứ Bảy chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của huyện Trần Đề... Qua đó, người dân tự nguyện hiến đất, ngày công lao động, đóng góp tiền để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được hơn 480 tỷ đồng do cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Võ Minh Quân – Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mỹ Tú cho biết: “Ngay từ đầu năm, Ban Dân vận Huyện ủy cũng đã xây dựng kế hoạch “Dân vận khéo” nhằm tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các ngành trong việc phát huy Mô hình “Dân vận khéo” theo từng phần việc cụ thể. Qua việc triển khai, thấy rất rõ sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong việc thực hiện Quyết định 902/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới và tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, cảnh quang nông thôn cũng như đời sống của người dân ngày càng có những chuyển biến tích cực”.

    Thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn này còn là kết quả đáng ghi nhận của việc huy động tốt sức dân trong việc duy trì có hiệu quả Hội thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”. Theo đó, hưởng ứng hội thi, hằng năm, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công mỗi hội, đoàn thể phụ trách quản lý từng tuyến đường ở các ấp khác nhau trên địa bàn, bố trí ra quân luân phiên theo từng đợt để giữ vững mỹ quan xanh, sạch, đẹp. Sự tiên phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên đã tác động sâu sắc đến nhận thức của từng hộ gia đình. Giờ đây, người dân tại hầu hết các địa phương đều nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, xem đây là việc của chính mình, gia đình mình và bản thân mình, gia đình mình trực tiếp là người hưởng lợi. Từ đó, nhiều hộ không còn thái độ trông chờ, ỷ lại mà chủ động cùng gia đình tham gia nhiều phần việc cụ thể để cùng địa phương xây dựng thành công những tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 559 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu trên khắp địa bàn các ấp với tổng chiều dài hơn 546 km. Từ những tác động tích cực của Hội thi, diện mạo nông thôn ngày càng có sự chuyển biến rõ nét, xây dựng nông thôn mới ở cấp cơ sở (hộ gia đình, tuyến đường, khu dân cư) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thành công chung của chương trình. Đồng chí Trần Hoàng Dũng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết thêm: “Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cho Văn phòng điều phối nông thôn mới của huyện tổ chức kiểm tra, phát động phong trào ngay từ cấp cơ sở. Đến hôm nay chúng tôi thấy rằng, các địa phương trên địa bàn huyện rất quan tâm việc xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu với 3 tiêu chí sáng - xanh - sạch đẹp. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp tốt với địa phương thường xuyên kiểm tra, nhân rộng các tuyến đường kiểu mẫu. Xem đây là cơ sở quan trọng trong việc chung sức đưa Trần Đề phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới”.


Xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu

 

    Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã vượt qua bối cảnh khó khăn chung, tiếp tục đạt thêm những kết quả quan trọng,  góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh các năm qua. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 88,9% so với kế hoạch đến năm 2025; có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 50% so với kế hoạch đến năm 2025; có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 50% so với kế hoạch đến năm 2025. Để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với vai trò là cơ quan chủ trì chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả chương trình trong giai đoạn còn lại, đảm bảo đạt đúng lộ trình đề ra. Đồng chí Lê Văn Đáng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: “Chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tập trung một số giải pháp nâng cao chất lượng Phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn, do đó, trong năm 2023, chúng tôi tập trung tham mưu triển khai có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề phục vụ Chương trình nông thôn mới gồm: Chương trình OCOP, Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình Chuyển đổi số, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, gắn với đó thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với lợi thế của từng địa phương nhằm phục vụ tích cực cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu. Tiếp tục huy động, lồng ghép tối đa các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là lồng ghép hiệu quả với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn lồng ghép khác theo đúng quy định hiện hành”.

    Thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không xuất phát từ tiêu chí công trình mà nền tảng trọng tâm là làm thay đổi nhận thức của nhân dân, bởi: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhờ lấy dân làm gốc và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khơi dậy sức mạnh từ dân mà đến nay bộ mặt nông thôn tại nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh ngày thêm khởi sắc. Đời sống người dân khu vực nông thôn từng bước sung túc, đủ đầy là thành quả rất đáng biểu dương cho sự gắn kết mật thiết giữa Nhà nước và nhân dân. Từ trong khó khăn, trở ngại, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã phát huy rất tốt sức mạnh nội tại, mà vai trò nòng cốt chính là người dân để xây dựng quê hương ngày càng phát triển văn minh hơn, giàu đẹp hơn. Điều này càng minh chứng rõ: Một khi ý Đảng, lòng Dân đã thuận thì chỉ tiêu nghị quyết dù cho khó mấy cũng sẽ thành.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 88
  • Hôm nay: 10176
  • Trong tuần: 77,496
  • Tất cả: 11,861,685